Biên Hòa - vùng đất với bề dày lịch sử hơn 325 năm, không chỉ nổi tiếng bởi sự phát triển kinh tế mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc. Từ các làng nghề truyền thống như gốm Tân Vạn, đá Bửu Long đến các di tích lịch sử - văn hóa như đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Ông, Đình Tân Lân, mỗi địa danh đều kể câu chuyện riêng về một Biên Hòa giàu truyền thống. Trong dịp Tết, những giá trị văn hóa này lại càng được tô đậm, trở thành sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, mang đến niềm tự hào và bản sắc cho mỗi người dân nơi đây.
Nằm trên vùng đất từng là trung tâm của nền văn hóa cổ Óc Eo, Biên Hòa hiện vẫn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử, kiến trúc và giá trị văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian. Chùa Bửu Phong, Chùa Đại Giác, đình Tân Lân, hay Văn Miếu Trấn Biên là những công trình không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn là biểu tượng cho tinh thần hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo của người dân nơi đây.
Văn hóa Biên Hòa còn được thể hiện qua nghề gốm truyền thống nổi tiếng, với những sản phẩm mang đậm hồn quê. Làng gốm Tân Vạn, nơi gắn liền với quá trình khai khẩn và định hình vùng đất, người Biên Hòa, Đồng Nai và phương Nam. Xưa, các lò gốm Biên Hòa nằm ven sông Đồng Nai thơ mộng, nổi tiếng với làng gốm lớn nhất là gốm Tân Vạn và cụm gốm Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, đến nay vẫn tồn tại và phát triển. Gốm Biên Hòa vừa có giá trị nghệ thuật lại vừa có giá trị sử dụng cao. Những sản phẩm gốm mỹ thuật trang trí độc đáo, phong phú và đa dạng với đủ mọi chủng loại như các loại đôn voi, đôn tròn, các loại chậu hoa, tượng, thú... được trang trí hiện đại, tinh tế, sử dụng men nhẹ lửa, màu men thanh thoát là minh chứng cho sự khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân, góp phần gìn giữ giá trị truyền thống trong thời đại công nghiệp hóa. PGS.TS Huỳnh Văn Tới – Ủy viên Hội đồng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thành phố Biên Hòa cần đánh giá, định vị được những giá trị văn hóa đang có. Cần bảo tồn và phát huy những giá trị, gieo cấy vào trong giới trẻ để tiếp tục hành trình phát huy di sản thành phố Biên Hòa".
Ẩm thực Biên Hòa không chỉ làm say lòng thực khách bởi những món ngon đặc trưng như gỏi cá Tân Mai, xôi chiên phồng, chè bưởi, bánh bèo chén, lẩu cá kèo, mà còn chứa đựng những câu chuyện về đời sống, văn hóa của người dân địa phương. Hương vị mộc mạc, dân dã từ những món ăn này là sự kết tinh của truyền thống, tình yêu với quê hương và sự sáng tạo không ngừng trong cách chế biến.
Sự kiện Không gian Văn hóa Ẩm thực Biên Hòa vừa khai mạc gần đây đã trở thành cầu nối quảng bá nét đẹp ẩm thực địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Theo Tiến sĩ văn hóa Nguyễn Văn Quyết: “Ẩm thực Biên Hòa là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố văn hóa độc đáo của vùng đất, góp phần làm nên bản sắc riêng biệt mà chỉ Biên Hòa mới có thể tạo ra. Những nỗ lực không ngừng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị ẩm thực địa phương không chỉ mang đến trải nghiệm ấn tượng cho du khách mà còn khẳng định vị thế của Biên Hòa trên bản đồ văn hóa ẩm thực Việt Nam".
Biên Hòa ngày nay không chỉ tự hào về bề dày văn hóa mà còn đang chuyển mình mạnh mẽ để thích nghi với sự phát triển của thời đại. Các sự kiện văn hóa như: giỗ đức ông Nguyễn Hữu Cảnh; Lễ hội chùa Ông… hay các hoạt động nghệ thuật đường phố đã góp phần làm sống dậy và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, sự phát triển đô thị không làm mờ đi nét đẹp của văn hóa làng xã. Những khu dân cư mới vẫn giữ gìn các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, gắn kết cộng đồng qua các hoạt động như lễ hội Kỳ Yên.
Đặc biệt, để lan tỏa đạo “uống nước nhớ nguồn", tri ân các bậc tiền nhân đi trước, thành phố Biên Hòa đã tổ chức lễ diễu hành và nghi thức dâng bánh kính nhớ tổ tiên. Bánh chưng, bánh tét dâng kính nhớ tổ tiên được lựa chọn là những chiếc bánh đẹp, ngon. Tham dự lễ diễu hành và thực hiện nghi thức dâng bánh có nhiều người là học sinh, giáo viên, công chức, viên chức, đoàn viên và người dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Đoàn đã đi bộ dâng bánh từ công viên Biên Hùng tới đình Tân Lân và sau đó di chuyển bằng xe đến Văn Miếu Trấn Biên và các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Ông Trần Quang Toại – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đây là một hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự trân trọng của thế hệ hôm nay đối với những giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để giáo dục và khơi dậy tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Lễ diễu hành và dâng bánh không chỉ tạo nên một không gian văn hóa ý nghĩa mà còn góp phần gắn kết cộng đồng, lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương Biên Hòa".
Với sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, văn hóa Biên Hòa không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Những giá trị văn hóa đặc sắc này không chỉ làm nên bản sắc riêng của Biên Hòa mà còn góp phần làm giàu thêm bức tranh văn hóa đa dạng của cả nước. Biên Hòa hôm nay, trong sự phát triển sôi động, vẫn giữ vững những giá trị cốt lõi, như một chiếc cầu nối bền vững giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.