Lịch sử - văn hóa
Thành phố Biên Hoà là đô thị
lọai I, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng
Nai. Phía Bắc giáp huyện Vĩnh Cửu, Tây giáp quận 9 thành phố Hồ Chí Minh, Tây
Nam giáp huyện Long Thành, Đông giáp huyện Trảng Bom, Tây Bắc giáp huyện Dĩ An,
huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương.
Nằm trong vùng kinh tế
trọng điểm phía Nam, thành phố Biên Hoà có một hệ thống giao thông thuận lợi
với xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, đường sắt Bắc Nam, đường sông Đồng
Nai…Diện tích thành phố Biên Hoà 15.466 hecta, tổng diện tích tự nhiên là
264,08 km2, với 30 xã phường,
dân số 800.000 người (Thống kê năm 2011).
Thông qua di chỉ khảo
cổ học Bình Đa với nhiều công cụ gốm, đá, đặc biệt bộ đàn đá Bình Đa phát hiện
ở đây cho thấy cách đây trên 2.500 năm người xưa đã có một cuộc sống khá phong
phú về vật chất, tinh thần. Trong thế kỷ 17, 18, Biên Hoà đã từng là một trung
tâm giao thương mua bán của các vùng miền trong nước và thương khách nước ngoài
với sự kiện một bộ phận người Hoa “phản Thanh phục Minh” vào định cư xứ Bàn Lân
năm 1679. Người Hoa, người Việt chung tay xây dựng nên thương cảng Cù Lao phố
sầm uất trên bến dưới thuyền.
Mùa xuân năm Mậu Dần
1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Kính) vào kinh lược
vùng đất phía Nam. Ông lấy đất Đồng Nai lập phủ Gia Định với hai huyện Tân Bình
(Sài Gòn) và Phước Long (tức Biên Hoà – Đồng Nai ngày nay), Biên Hoà chính thức
trở thành vùng đất của Đại Việt.
Thành phố Biên Hoà
ngày nay hiện tồn nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc cho thấy một truyền
thống văn hoá bền lâu:
- Thất phủ cổ miếu
(thường gọi Chùa Ông) thờ Quan thánh đế quân (Quan Vũ, Quan Công) ở xã Hiệp Hoà
được người Hoa xây dựng từ năm 1714.
- Đình Tân Lân thờ
Trần Thượng Xuyên, một người Hoa có công xây dựng và phát triển vùng đất Biên
Hoà từ năm 1679.
- Lăng mộ Trịnh Hòai
Đức, nhà văn hoá gốc Hoa, nhà khoa bảng, tác giả bộ sách Gia Định thành thông
chí, một trong “Gia Định Tam gia”.
- Những ngôi cổ tự Bửu
Phong, Đại Giác, Long Thiền ghi dấu ấn việc truyền bá đạo Phật ở phương Nam gắn
bó chặt chẽ với tín ngưỡng dân gian của dân tộc.
Quang cảnh Chùa Bửu Phong
Quang cảnh Chùa Đại Giác
Quang cảnh Chùa Long Thiền
- Nhiều di tích lịch
sử gắn bó với quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc trên đất Biên Hoà: Đài
kỷ niệm, nơi Nguyễn Ái Quốc có bài viết trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” tố
cáo hành động mị dân của thực dân Pháp trong chiến tranh thế giới lần thứ I;
Bửu Hưng Tự, nhà Hội Bình Trước gắn liền với sự kiện Cách mạng tháng Tám 1945 ở
địa phương; Di tích nhà Xanh (BIF) nơi diệt Mỹ đầu tiên… Nhà lao Tân Hiệp, nơi
diễn ra cuộc phá ngục quy mô lớn nhất miền Nam (2-12-1956) với 462 cán bộ,
người yêu nước trở về với cách mạng.
Đài kỷ niệm
Quang cảnh Bửu Hưng tự
Quang cảnh Nhà Hội Bình Trước
Quang cảnh Di tích Nhà Xanh
Thành phố Biên Hoà là
nơi có Văn miếu Trấn Biên, được xây dựng năm 1715 sớm nhất ở Nam bộ, nơi thể
hiện truyền thống hiếu học và “tôn sư trọng đạo” của người dân vùng đất mới.
Ngày nay Văn miếu được phỏng dựng, tôn tạo trở thành một thiết chế văn hoá giáo
dục thời hiện đại của Biên Hoà, một thắng cảnh của Đồng Nai.
Quang cảnh Văn miếu Trấn Biên
Thành phố vẫn bảo lưu
được nhiều ngành nghề truyền thống. Rạch Lò Gốm (xã Hiệp Hoà), một địa danh ghi
đậm dấu ấn một thời phát triển xa xưa. Nghề gốm truyền thống phát triển ở Bửu
Long, Tân Vạn kết hợp kỹ thuật gốm truyền thống Việt với kỹ thuật gốm do những
người Hoa đưa sang từ cuối thế kỷ 17, tạo nên một diện mạo mới của nghề truyền
thống. Năm 1903, trương Bá nghệ Biên Hoà được thành lập, trở thành nơi đào tạo
những nghệ nhân nổi tiếng về gốm và điêu khắc Biên Hoà. Nghề khai thác đá ở Bửu
Long phát triển cùng với quá trình phát triển của người Hoa trên đất Biên
Hoà.
Nhân dân thành phố có
truyền thống đấu tranh. Khi đất nước rơi vào vòng đô hộ của thực dân Pháp, Biên
Hòa đã xuất hiện phong trào hội kín “Thiên địa hội” của Đoàn Văn Cự tập hợp lực
lượng chống thực dân Pháp (1905); Hội kín của Lâm Trung trại, tổ chức tấn công
vào Toà bố Biên Hòa (1916) giải cứu những thanh niên bị thực dân bắt đi lính
chết trận ở châu Âu trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Thành phố Biên Hoà,
nơi đội ngũ công nhân công nghiệp xuất hiện khá sớm với Công ty khai thác rừng
và sản xuất lâm nghiệp Biên Hoà do tư bản Pháp thành lập 1897; nhà máy cưa BIF
được xây dựng 1907 và hoạt động từ 1912. BIF nơi các đảng viên cộng sản hoạt
động tuyên truyền yêu nước, có phong trào đấu tranh của công nhân khá sớm và
Chi bộ đảng ra đời những năm 1943, 1944. Đội ngũ công nhân BIF là lực lượng nòng
cốt giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945; nơi cung cấp sức người
sức của trong kháng chiến.
Trong kháng chiến
chống Pháp, thành phố Biên Hoà là nơi đầu tiên xây dựng trường huấn luyện du
kích ở miền Đông; nơi các lực lượng vũ trang miền Đông tổ chức tập kích vào một
tỉnh lỵ do thực dân Pháp chiếm đóng (2-1-1946). Chiến khu Bình Đa (nay thuộc
phạm vi các phường Bình Đa, An Bình, Long Bình…), chiến khu Hố Cạn (phường
Trảng Dài) cùng với chiến khu Đ tạo thành một hệ thống căn cứ liên hoàn, nơi đứng
chân của đơn vị đặc công biệt động thị xã đánh vào các cơ quan đầu não, hậu cần
của thực dân như đánh vào kho xăng dầu Biên Hoà 1952 huỷ trên 2 triệu lít xăng
dầu.
Trong kháng chiến
chống Mỹ, thành phố Biên Hoà trở thành một căn cứ quân sự lớn của Mỹ với Bộ Tư
lệnh quân đoàn 3 ngụy; sân bay chiến lược quân sự Biên Hoà; căn cứ Hốc Bà Thức
(Tân phong) của Mỹ; Tổng kho hậu cần Long Bình…Nhưng thành phố Biên Hoà cũng là
nơi các đơn vị đặc công, chủ lực làm nên những chiến công vang dội, diệt sinh
lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ ngụy chia lữa với chiến trường chung.
Thành phố là nơi đánh
Mỹ đầu tiên ở miền Nam với chiến thắng Nhà Xanh (BIF) đêm 7-7-1959. Nơi pháo
binh Miền (U80) dội bão lữa vào sân bay Biên Hoà 31-10-1964, được Chủ tịch Hồ
Chí Minh ngợi khen
“Uy danh lừng lẫy khắp
năm châu.
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể
đầu.
Thành đồng trống thắng
lay lầu Trắng.
Điện Biên Mỹ chẳng
phải chờ lâu”.
Những năm 1967, 1968,
1972, sân bay Biên Hoà luôn là mục tiêu tấn công của pháo binh, đặc công Biên
Hoà giành thắng lợi lớn. Tổng kho hậu cần Long Bình nhiều lần bốc lữa trong
những năm 1966, 1967, 1968, 1972…Hàng ngàn tấn bom đạn bị phá huỷ bởi đặc công
Biên Hoà.
Ngày 30-4-1975, lá cờ
Mặt trận bay trên nóc Toà hành chính tỉnh, đánh dấu thắng lợi của Đảng bộ trong
suốt 30 năm chiến đấu kiên cường (1945-1975), cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp
giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Hơn ba mươi năm sau
giải phóng, Đảng bộ và nhân dân thành phố không ngừng nổ lực trong lao động
sáng tạo vượt qua nhiều khó khăn, phức tạp để xây dựng phát triển thành đô thị
loại II (được công nhận năm 1994), phát huy dân chủ, cải thiện và nâng cao đời
sống nhân dân.
Thành phố đang phấn
đấu trở thành một đô thị phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hoá-hiện
đại hoá, đồng bộ giữa phát triển kinh tế và văn hoá xã hội. Thành phố với cơ
chế thoáng đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay
thành phố với các khu công nghiệp Biên Hoà 1, Biên Hoà 2, Amata, Loteco…thu hút
trên 3 tỷ USD đầu tư từ nhiều quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới, giải quyết
việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Hệ thống thương mại-dịch vụ không ngừng
mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ ngày càng cao nhu cầu của nhân
dân và phát triển công nghiệp.
[1] An Bình, Hòa Bình, Long Bình, Long Bình Tân,
Quang Vinh, Bình Đa, Bửu Hòa, Bửu Long, Hố Nai, Quyết Thắng, Tam Hiệp, Tân
Biên, Tân Hiệp, Tân Hòa, Tân Mai, Tân Phong, Tân Tiến, Tân Vạn, Tam Hòa, Thanh
Bình, Thống Nhất, Trảng Dài, Trung Dũng, Hiệp Hòa, Hoá An, Tân Hạnh, An Hòa,
Long Hưng, Phước Tân, Tam Phước.