Sáng 18-5, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tại Nhà Quốc hội và được truyền hình, truyền thanh trực tiếp đến các điểm cầu trên toàn quốc. Tại điểm cầu thành phố Biên Hoà, lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã tham gia trực tuyến tại Hội trường Thành uỷ.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự hội nghị.
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị và kế hoạch hành động của Chính phủ: Bước ngoặt lịch sử thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt Chuyên đề 1 về Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khái lược quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về kinh tế tư nhân qua các thời kỳ
Theo đó, trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định mạnh mẽ vai trò của kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng và thịnh vượng của đất nước. Nghị quyết mang tính chiến lược này không chỉ đánh giá những thành tựu to lớn mà khu vực kinh tế tư nhân đã đạt được sau gần bốn thập kỷ đổi mới, mà còn đặt ra những mục tiêu và giải pháp đột phá nhằm khơi thông mọi tiềm năng, đưa kinh tế tư nhân Việt Nam vươn tầm khu vực và quốc tế. Mặt khác, Bộ Chính trị cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và thách thức, như quy mô doanh nghiệp còn nhỏ bé, năng lực cạnh tranh chưa thực sự cao, sự liên kết lỏng lẻo với các thành phần kinh tế khác, tình trạng vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp khu vực tư nhân, những điểm nghẽn trong thể chế từ phía nhà nước… đòi hỏi những giải pháp căn cơ, đồng bộ và quyết liệt hơn. Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, những khó khăn nêu trên cũng là động lực để tái cơ cấu nền kinh tế, chuỗi sản xuất và đổi mới nhận thức, tư duy của toàn hệ thống chính trị về kinh tế tư nhân trong tình hình mới; đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn, sắp xếp bộ máy đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 68-NQ/TW đặt ra những mục tiêu cụ thể và đầy tham vọng cho sự phát triển của kinh tế tư nhân trong những thập kỷ tới: Đến năm 2030, khu vực này được kỳ vọng sẽ đóng góp từ 55% đến 58% vào GDP và tạo ra việc làm cho 84% đến 85% tổng số lao động trên cả nước. Tầm nhìn xa hơn đến năm 2045 là xây dựng một nền kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, với đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Một trong những trụ cột quan trọng của Nghị quyết là hoàn thiện thể chế và pháp luật. Mục tiêu là xây dựng một khung pháp lý minh bạch, ổn định, dễ dự đoán và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Việc đảm bảo quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp tư nhân được đặc biệt chú trọng.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 08 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: (1) Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân; (2) Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân; (3) Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; (4) Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân; (5) Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI; (6) Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; (7) Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; (8) Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Sau khi triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khái lược nội dung Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 17/5/2025 và Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nhằm khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân theo định hướng của Đảng trong bối cảnh chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Chính phủ đã đề ra 117 nhiệm vụ cụ thể thuộc 08 nhóm nhiệm vụ chính: (1) Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân; (2) Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân; (3) Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; (4) Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân; (5) Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI; (6) Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; (7) Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; (8) Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Sau khi triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp thu và giải đáp những chia sẻ, khúc mắc, kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp tại Hội nghị.
Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị: Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Chuyên đề 2 về Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn triển khai nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị
Theo đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không ngừng được hoàn thiện. Nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, điển hình như một số chủ trương của Đảng chưa được thể chế hóa đầy đủ, chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định pháp luật vẫn còn, gây khó khăn cho việc thực thi và đổi mới.
Từ đó, Nghị quyết số 66-NQ/TW đặt ra các mục tiêu cụ thể cho năm 2030 và 2045, hướng tới xây dựng một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, hiện đại và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Để đạt được các mục tiêu này, Nghị quyết đề ra 07 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao gồm: (1) Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; (2) Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển; (3) Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật; (4) Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế; (5) Xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật; (6) Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; (7) Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện, thể hiện qua sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 và nâng cao vị thế quốc tế. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, đất nước cần vượt qua những thách thức hiện hữu, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm lại, năng suất lao động hạn chế và bối cảnh quốc tế phức tạp.
Tổng Bí thư nhấn mạnh để giải quyết những thách thức này, hiện thực hóa khát vọng phát triển, Việt Nam cần một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ. Trong đó, 4 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ (57-NQ/TW), hội nhập quốc tế (59-NQ/TW), kinh tế tư nhân (68-NQ/TW) và xây dựng pháp luật (66-NQ/TW) đóng vai trò là "bộ tứ trụ cột" thể chế nền tảng. Việc triển khai đồng bộ và hiệu quả 4 nghị quyết này sẽ tạo động lực mạnh mẽ, giúp Việt Nam cất cánh trong giai đoạn phát triển mới.
Từ đó, Tổng Bí thư kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam.