Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật luôn được các cấp, các ngành, các địa phương ở TP. Biên Hòa quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ bằng vật chất lẫn tinh thần để người khuyết tật dần xóa bỏ mặc cảm, vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Bị khuyết tật từ bé, đôi chân không đi lại được, đôi bàn tay thì bị co quắp, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn, thế nhưng hàng ngày ông Chi Văn Hoàng, 57 tuổi, ở trọ tại phường Tân Mai, TP. Biên Hòa vẫn vượt khó trên chiếc xe lăn, rong ruổi trên các nẻo đường ở TP. Biên Hòa để mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, kiếm thu nhập lo cho bản thân và gửi về quê lo cho mẹ già ngoài 80 tuổi. Chia sẻ cùng chúng tôi, công Chi Văn Hoàng – Người Khuyết tật ở P. Tân Mai, TP. Biên Hòa chia sẻ: “Thì mình là người khuyết tật như này nhưng cũng phải cố gắng vươn lên thôi, ít nhất mình phải tự lo cho mình được. Mỗi tháng được Nhà nước hỗ trợ cho 1 triệu đồng, rồi bán vé số cũng được ít như mỗi ngày bán khoảng 150 đến 200 tờ lo tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt, thuốc men,…Rồi ở phường, khu phố cũng hay quan tâm thêm vào các dịp lễ, tết cũng hay tặng quà,..nói chung cũng vui và rất ấm lòng đỡ tuổi thân"
Cũng bị khuyết tật từ bé nhưng vợ chồng anh Lâm Văn Tâm, 40 tuổi ngụ ở phường Tam Hiệp được may mắn hơn, bởi anh chị đã được công ty may nhận vào làm việc với mức lương ổn định mỗi tháng hơn 7,5 triệu đồng/1 người từ hơn 10 năm qua. Anh Lâm Văn Tâm – Công nhân lao động Khuyết tật công ty Unipax TP. Biên Hòa chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng em đều bị khuyết tật từ năm lên 3 tuổi, qua giám định thì vợ bị 80%, em thì bị 50%, khuyết tật nặng nhưng cũng nhờ công ty nhận tụi em vào làm việc nên cuộc sống cũng ổn lo cho con đi học được. May mắn hơn, công ty em lúc nào cũng có đơn hàng nên người Khuyết tật chúng em cũng có thu nhập để trang trải cuộc sống"
Thành phố Biên Hòa hiện đang quản lý và thực hiện các chế độ bảo trợ xã hội theo quy định cho gần 10 ngàn người khuyết tật, trong đó có hơn 500 người khuyết tật có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn đang được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ về việc làm, học nghề, hỗ trợ vay vốn buôn bán nhỏ, hỗ trợ phương tiện mưu sinh,…để phát triển kinh tế gia đình. Hàng năm, thành phố và các đơn vị phường, xã đều có những hỗ trợ quan tâm đặc biệt đến người Khuyết tật như chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ khó khăn kịp thời. Bà Đặng Thị Phương – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Biên Hòa cho biết: “Đối với nhiệm vụ công tác Hội thì ngoài chăm lo cho đối tượng đặc biệt khó khăn, yếu thế thì chúng tôi rất quan tâm đến người khuyết tật như người mù, người khuyết tật khác,…bằng nhiều hình thức như hỗ trợ phương tiện xe lăn, xe lắc, thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà, tặng học bổng cho con họ, rồi những hoàn cảnh quá khó khăn thì đưa vào diện Mỗi địa chỉ nhân đạo để hỗ trợ thường xuyên hơn, nhằm chia sẻ, đồng hành để các đối tượng khuyết tật vượt qua khó khăn và dần vươn lên ổn định cuộc sống"
Ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người khuyết tật thì sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng xã hội là rất cần thiết, giúp người khuyết tật không tự ti, mặc cảm mà tự tin vươn lên trong cuộc sống dù trong hoàn cảnh khó khăn nào.