Báo cáo với Đoàn giám sát, Phòng Tài nguyên và Môi trường
thành phố cho biết, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đến
nay Biên Hòa có gần 2.400 thùng rác đã được trang bị tại các cơ quan, đơn vị,
trường học, chợ truyền thống. Ngoài ra, đơn vị đã cấp phát thêm 255 thùng đựng
chất thải lây nhiễm màu vàng dung dịch 240 lít cho các phường xã. UBND các
phường xã đã xây dựng kế hoạch, vận động tuyên truyền và triển khai lịch trình,
tần suất thu gom rác đến các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, qua đó người dân cơ
bản đã nắm bắt lợi ích của chương trình, từ đó thực hiện phân loại cũng như tận
dụng các loại rác vô cơ có giá trị đem bán phế liệu. Sau 13 năm triển khai,
Biên Hòa đã có 135.523 hộ dân tham gia phân loại, đạt tỷ lệ khoảng 63%; 205.195
hộ dân tham gia đăng ký đổ rác và nộp lệ phí thu gom rác, đạt tỷ lệ 95,39%.
Trong điều kiện quỹ đất đô thị còn nhiều khó khăn cũng như ngăn ngừa ảnh hưởng
đến môi trường, UBND thành phố chưa bố trí được điểm trung chuyển rác mà chỉ
chấp thuận cho các đơn vị thu gom rác thực hiện sang tiếp rác từ 21 giờ đến 24
giờ và đảm bảo kết thúc trước 5 giờ sáng hôm sau tại các điểm của 12 phường
gồm: Phước Tân, Hóa An, Tân Vạn, Quang Vinh, Thống Nhất, Trảng Dài, Trung Dũng,
Hố Nai, Tam Hiệp, Tân Tiến, Quyết Thắng, Hòa Bình.

Các thành viên
tham dự buổi giám sát
Tại buổi giám sát, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố
Biên Hòa cũng đưa ra một số khó khăn, vướng mắt trong triển khai thực hiện như:
bất cập trong quy định chế tài xử lý vi phạm hành chính; việc thu gom rác vô cơ
sau phân loại hiệu quả chưa cao, trong đó có nguyên nhân do khối lượng rác
người dân phân loại ra không nhiều (bình quân 700kg/tháng) trong khi lại tốn
nhân công, nhiên liệu và phương tiện để thu gom./.
An Khiêm