Trong nhịp sống hiện đại, nghệ thuật bóng rỗi, địa nàng – loại hình múa hát dân gian truyền thống của người Nam Bộ – đang dần mai một. Tuy nhiên, vẫn còn những con người tâm huyết âm thầm gìn giữ và truyền lửa cho thế hệ trẻ để bảo tồn nét văn hóa độc đáo này. Những nghệ nhân như bà Kim Phụng, ngụ tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, người hơn 50 năm gắn bó với nghề, bằng cái tâm trong sáng, đạo đức hành nghề mẫu mực và niềm say mê nghệ thuật, nghệ nhân Kim Phụng đã giữ gìn, phát huy và lưu truyền múa bóng rỗi trong cộng đồng.
Nghệ nhân Kim Phụng tên thật là Đinh Thị Thanh Loan, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống múa bóng rỗi - địa nàng. Từ khi còn nhỏ, bà đã được ngoại dạy múa bóng rỗi rất tỉ mỉ, từ lời văn chúc, nhịp phách đọc văn chúc đến trình tự, điệu bộ và ý nghĩa của từng bài múa. Thi thoảng ngoại còn dẫn bà tham gia vào những buổi diễn tại các miếu Bà gần nhà để xem các “bà bóng" múa và đọc những câu văn cầu an, cầu phúc. “Lúc đó tôi mới chỉ khoảng 9, 10 tuổi" - bà Phụng nhớ lại. Có năng khiếu múa cùng với sự hướng dẫn của ngoại, nghệ nhân Kim Phụng dần tiến bộ và chính thức bước chân vào nghề ở tuổi trăng tròn. Bà tâm sự: “Hơn 50 năm làm nghề, ngọn lửa đam mê trong tôi chưa bao giờ tắt. Có những đợt vài tháng không được đi múa bóng rỗi, đến khi được mời tôi vui đến mất ngủ. Nhiều lúc đang nửa đêm cũng lọ mọ dậy luyện tập sao cho các bài múa phù hợp với thời đại, gần gũi với đời sống của người dân Nam bộ". Chia sẻ thêm về việc bén duyên với bộ môn nghệ thuật này, nghệ nhân Kim Phụng nói: “từ nhỏ tôi đi theo bà ngoại mình, từ lúc 9,10 tuổi đã đi theo và bà ngoại thấy cô thích nên dạy cô. Xong mẹ kêu cô đi theo nghề đi để không bị thất truyền và cô theo từ năm 14 tuổi đến giờ".
Trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Kim Phụng ở P.Trảng Dài nổi bật nhất chính là các đạo cụ, trang phục biểu diễn. Hàng trăm bộ trang phục, mũ áo đến quạt lông công, trống, phách, mâm vàng, mâm bạc... được sắp xếp rất gọn gàng. Theo nghệ nhân Kim Phụng, múa bóng rỗi không phải là nghề “kiếm nhiều tiền", vì chỉ diễn theo mùa nên muốn gắn bó với nghề, ngoài đam mê cần có thêm nghề tay trái để kiếm sống. Ngoài đi múa bóng rỗi, bà còn kiêm thêm công việc buôn bán và nhận làm tất cả các khâu trong nghi lễ múa bóng rỗi như: đơm bông, têm trầu, làm mâm vàng, mâm bạc. Kỹ thuật cắt sắc sảo, tạo thành những mâm vàng gọn, chắc chắn và đẹp… của bà được nhiều người truyền tai, giúp gia đình có thêm thu nhập trong những ngày rảnh rỗi.
Hỏi về những bài múa bóng rỗi, nghệ nhân Kim Phụng nói rằng, bà không thể đếm hết, nhớ hết kể cả những địa điểm mà bà đã đi biểu diễn. Nhiều bài múa bóng rỗi, hát chặp địa nàng của bà khi tham dự các liên hoan, hội diễn trong và ngoài tỉnh đã đoạt các giải cao. Những giải thưởng đó như là sự khích lệ, một “bảo chứng" về chuyên môn, tiếp thêm năng lượng sáng tạo trên con đường theo đuổi nghệ thuật diễn xướng dân gian - một trong những vốn quý trong kho tàng văn hóa dân tộc. Nghệ nhân Kim Phụng chia sẻ, múa bóng rỗi là bộ môn nghệ thuật rất kén chọn người diễn, chỉ những ai thực sự đam mê mới theo được. Trong quá trình theo nghề, bà có rất nhiều học trò nhưng hầu hết mới học qua cho vui. Chỉ có hai cô con gái là Thanh Mai và Ngọc Nguyên có đam mê và mong muốn “kế tục" nghiệp diễn của mẹ.
Giữa sự biến đổi của thời đại, nghệ nhân Kim Phụng vẫn ngày ngày âm thầm giữ lửa cho nghệ thuật bóng rỗi, địa nàng. Với tâm huyết và sự kiên trì của bà, loại hình nghệ thuật truyền thống này không chỉ được duy trì mà còn lan tỏa đến thế hệ sau. Những nghệ nhân như bà Kim Phụng chính là cầu nối giúp văn hóa dân gian không bị lãng quên, giữ vững bản sắc độc đáo của dân tộc trong lòng đời sống hiện đại.