Bằng tình thương và trách nhiệm, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm trợ giúp người khuyết tật như dạy nghề, tạo việc làm, thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội,... Từ đó, tạo môi trường, cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, vượt khó vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Ghi nhận tại TP. Biên Hòa Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3-12-2023.
Cả hai vợ chồng anh Lâm Văn Tâm, ngụ ở P. Tân Mai TP. Biên Hòa đều là người khuyết tật, cuộc sống vốn khó khăn nên anh chị đã rời quê lên Biên Hòa hơn 10 năm nay để ở trọ và xin làm công nhân với mong muốn kiếm thu nhập tự lo được cho gia đình nhỏ của mình.
Anh: Lâm Văn Tâm - Người khuyết tật ở Tp. Biên Hòa: “Thật ra người khuyết tật như tụi em xin việc làm rất khó nhưng 2 vợ chồng em đã có công ăn việc làm ổn định thời gian qua là rất mừng và cảm ơn công ty Unipax đã nhận chúng em và sắp xếp công việc phù hợp sức khỏe nữa, nhờ đó mà tụi em có thu nhập lo cho con ăn học và ở địa phương cũng quan tâm có quà cáp trong các dịp lễ, tết,…tụi em sẽ cố gắng vươn lên"
Thành phố Biên Hòa hiện đang quản lý và thực hiện các chế độ bảo trợ xã hội theo quy định cho hơn 9.400 người khuyết tật, trong đó có hơn 500 người khuyết tật có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn đang được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ về việc làm, học tập, hỗ trợ vay vốn buôn bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình,…
Bà: Võ Thị Huyền – người Khuyết tật khó khăn ở Tp. Biên Hòa: “Tôi thì ở có một mình, bị sốt bại liệt từ nhỏ và giờ đi lại bằng xe lăn để bán vé số mưu sinh, phường cũng hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm hàng tháng, xây nhà tình thương,…được giúp đỡ rất nhiều nên cũng đỡ tự ti và luôn cố gắng vươn lên"
Bà: Phạm Thị Phương Uyên – Chủ tịch Hội Người mù Tp. Biên Hòa: “Người mù thì có rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, người thì làm nghề xoa bóp, người thì đi bán vé số dạo,…thời điểm này thì lại càng khó khăn hơn cho nên người mù cần đến sự quan tâm của xã hội rất là nhiều và thời gian qua thì cũng được Hội chữ thập đỏ, các chùa, các mạnh thường quân thăm hỏi tặng quà, động viên rất nhiều và cũng giúp cho người mù đỡ vất vả hơn…"
Không chỉ quan tâm về đời sống, người khuyết tật còn được hỗ trợ tiếp cận về thông tin, công nghệ số; trợ giúp pháp lý, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao,... Thông qua nhiều biện pháp trợ giúp, đời sống của người khuyết tật ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.