Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tài liệu hỏi đáp về sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường trên địa bàn thành phố biên hòa giai đoạn 2023-2025

Tài liệu hỏi đáp về sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường trên địa bàn thành phố biên hòa giai đoạn 2023-2025

 

Thực hiện Kế hoạch số 27/KH-UBND, ngày 18-01-2024 của UBND tỉnh Đồng Nai về “Thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2025" và Công văn số 2478/UBND-KGVX ngày 12/3/2024 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh một số nội dung của Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 18/01/2024 của UBND tỉnh. Xin giới thiệu nội dung hỏi – đáp về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường trên địa bàn thành phố Biên Hòa như sau:

Câu hỏi: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường có mục đích, ý nghĩa như thế nào?

Trả lời: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường để đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, tạo ra sự thay đổi tích cực, phát huy nguồn lực (về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch), tiềm năng phát triển của địa phương; đồng thời tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, tiết kiệm kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Câu hỏi: Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường là gì?

Trả lời: Theo Điều 2, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tuân theo các nguyên tắc sau:

1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

2. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải tuân thủ Hiến pháp, thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

3. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan.

4. Chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.

5. Chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.

6. Gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.

Câu hỏi: Thành phố Biên Hòa có bao nhiêu đơn vị hành chính cấp phường thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025?

Trả lời: thành phố Biên Hòa có 9 đơn vị hành chính cấp phường và 01 khu phố thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025, cụ thể như sau:

Theo Nghị quyết số 35/2023/NQ-UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, thành phố Biên Hòa có 9 đơn vị hành chính cấp phường và 01 khu phố thuộc diện phải sắp xếp gồm: Hòa Bình, Quang Vinh, Thanh Bình, Quyết Thắng, Trung Dũng, Tân Mai, Tân Tiến, Tam Hòa, Bình Đa và một phần khu phố 10 phường Tân Phong

Phương án sắp xếp cụ thể:

1/ Nhập, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hòa Bình  và một phần khu phố 10, phường Tân Phong vào phường Quang Vinh. Đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập dự kiến lấy tên là Quang Vinh. Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC mới dự kiến tại UBND phường Quang Vinh

2/ Nhập, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Thanh Bình, phường Quyết Thắng và một phần khu phố 10, phường Tân Phong vào phường Trung Dũng. Đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập dự kiến lấy tên là Trung Dũng. Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC mới dự kiến tại UBND phường Quyết Thắng

3/ Nhập, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Tân Tiến  vào phường Tân Mai. Đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập dự kiến lấy tên là Tân Mai. Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC mới dự kiến tại UBND phường Tân Tiến.

4/ Nhập, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Tam Hòa  vào phường Bình Đa. Đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập dự kiến lấy tên là Bình Đa.

- Số lượng ĐVHC cấp phường giảm sau sắp xếp là 05 đơn vị hành chính gồm: Thanh Bình, Hòa Bình, Quyết Thắng, Tân Tiến, Tam Hòa.

UBND thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thành phố và các tổ giúp việc Ban Chỉ đạo (Tổ xây dựng đề án, tổ phụ trách cơ sở vật chát, tổ phụ trách về nhân sự, Tổ tuyên truyền) và chỉ đạo UBND các phường liên quan thành lập Ban chỉ đạo để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.

Theo lộ trình, trong năm 2024 thành phố sẽ thực hiện, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân; trình HĐND các cấp xem xét, ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.

Câu hỏi: Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 6, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri. Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Câu hỏi: Quyền và nghĩa vụ của cử tri được quy định như thế nào khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã?

Trả lời: Điều 13, Nghị định số 54/2018/NĐ-CP, ngày 16/4/2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính quy định quyền và nghĩa vụ của cử tri như sau:

1. Mọi cử tri có quyền và nghĩa vụ tham gia khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến cử tri.

2. Mỗi cử tri có quyền thể hiện ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý vào Phiếu lấy ý kiến.

3. Cử tri phải tự mình viết và ký vào Phiếu lấy ý kiến, không được nhờ người khác viết thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Trường hợp cử tri không biết chữ hoặc không biết tiếng Việt, cử tri là người khuyết tật không tự đánh dấu và ký tên vào Phiếu lấy ý kiến cử tri thì được nhờ người trong gia đình hoặc người thân viết hộ.

Câu hỏi:  Cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần làm gì để góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030?

Trả lời: Để góp phần cùng cấp ủy và chính quyền địa phương thực hiện tốt việc sắp xếp các đơn vị hành chính, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần:

- Tham gia tích cực và đầy đủ các buổi học tập tuyên truyền triển khai chủ trương, phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính tại địa phương;

- Tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận ủng hộ, nhất trí trong gia đình và cộng đồng;

- Nắm rõ thời gian, nội dung lấy ý kiến cử tri, kiểm tra danh sách cử tri được niêm yết, hoàn thành đủ các nội dung trong phiếu lấy ý kiến cử tri, nộp lại phiếu đúng thời gian, hoàn thành tốt nhiệm vụ công dân theo đúng quy định; đồng thời luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh trước các phần tử xấu tuyên truyền xuyên tạc, góp phần thực hiện thành công đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường trên địa bàn thành phố Biên Hòa./.​

Đính kèm văn bản:

TÀI LIỆU HOI - DAP SAP NHAP PHUONG-1.doc

Trung tâm VHTTTT thành phố Biên Hòa

Danh sách Đại lý internet trên địa bàn thành phố Biên Hòa

Thông tin quy hoạch sử dụng đất

Đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Công nhận người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện cấp CCCD xuyên lễ
7 Kênh hỗ trợ người tham gia BHXH
Ứng dụng VssID-BHXH số
Hướng dẫn đăng nhập VssID bằng ứng dụng VNeID
Xem thêm

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND thành phố Biên Hòa

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ BIÊN HÒA - ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ: Số 225, đường Võ Thị Sáu, KP 7, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251.3822800 - Fax: 0251.3822880 - Mail: tpbienhoa@dongnai.gov.vn
Giấy phép số: 101/GP-BC ngày 10/3/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
------------------------------------------------------------
Cơ quan thường trực: Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Biên Hòa
Địa chỉ: Tầng 8, số 225, Đường Võ Thị Sáu, KP 7, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251.3940455 - Mail: pvhtt-bh@dongnai.gov.vn​